Đây là cảnh báo của TS. Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội thảo định hướng hoạt động phòng chống viêm gan virus tại Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày (18-19/12) khi kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B của một số địa phương ở nước ta khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở người khỏe chiếm khoảng 8-25%, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khoảng 0,4-4,1% dân số.

Theo TS. Trần Thanh Dương – Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Bệnh viêm gan do virus, viêm gan B, C gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới, hàng năm có khoảng 1 triệu người tử vong do nhiễm virus viêm gan B,C. Đáng chú ý, Việt Nam lại nằm ở khu vực Châu Á- nơi có chỉ số người dân bị mắc virus viêm gan rất cao. Hiện số trường hợp mắc viêm gan virus tại Việt Nam đang có xu hướng tăng cao.
Trung bình hàng năm, nước ta có khoảng 8.000 – 10.000 ca mắc viêm gan virus, trong đó khoảng 12-17% thai phụ nhiễm virus viêm gan B, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 21- 40, đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất. Hầu hết các ca mắc thường được chẩn đoán muộn, chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng nên việc điều trị gặp không ít khó khăn. Chưa kể, việc khám sàng lọc cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, chưa có hướng dẫn điều trị thống nhất trên toàn quốc, không có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng thuốc không thống nhất gây nguy cơ kháng thuốc, trong khi hiệu quả không rõ ràng nên nhiều người bỏ điều trị. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các virus A, D, E cũng đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng.
Nhận thức được sự nguy hiểm của virus viêm gan đối với sức khỏe người dân, đặc biệt đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Chính phủ Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã phát động phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan” cùng với nhiều chương trình, biện pháp phòng chống viêm gan virus. Trong đó có việc nghiên cứu tìm ra thuốc điều trị có hiệu quả, an toàn, dễ dung nạp là yêu cầu cấp thiết.

Gần đây, các nhà khoa học thuộc Viện dược liệu Trung ương đặc biệt quan tâm nghiên cứu đến là cây thảo dược cà gai leo (cây thuốc có vị hơi the, tính ấm, hơi độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu) được nhân dân dùng để phòng chống say rượu rất tốt cũng như trị các chứng cảm cúm, dị ứng, ho gà, đau lưng, nhức xương, thấp khớp, rắn cắn…
Chính từ tác dụng độc đáo này mà Viện Dược liệu Trung ương nghĩ đến khả năng giải độc gan của cà gai leo và dày công nghiên cứu và trong đó có một đề tài cấp Nhà nước (mã số KHCN 11-05) nghiên cứu về hoạt chất chiết xuất từ cà gai leo có tác dụng chống viêm, ức chế sự nhân lên của vi rút, ức chế sự phát triển của xơ gan, chống oxy hóa rất tốt và làm âm tính virus viêm gan. Để chứng minh hiệu quả chữa VGB, đề tài lâm sàng tiến hành tại Viện Quân y 103 và viện Quân y 354 do TS Trịnh Thị Xuân Hoà chủ trì đã cho kết quả rất khả quan khi trên 67% bệnh nhân có nồng độ virus về dưới ngưỡng phát hiện, 23,3% âm tính HbsAg, 1 trường hợp xuất hiện anti-HbsAg.